Theo đó, văn bản này được Bộ Xây dựng ký với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tư pháp với nội dung quan trọng là cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.
Một đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đây chính là bước đột phá quan trọng trong các quy định về điều kiện, thủ tục cho người thu nhập thấp khi vay gói 30.000 tỷ để mua nhà. Bởi trước đó, để có thể vay được, các ngân hàng buộc người vay phải chứng minh được khả năng trả nợ hoặc phải có tài sản khác thế chấp.
Ngoài quy định mở trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam còn cho biết, tới đây, người thu nhập thấp khi vay vốn mua nhà, thay vì phải “hai con dấu” xác nhận của cơ quan đang làm việc và chính quyền địa phương, người dân chỉ cần “một con dấu” xác nhận về tình trạng nhà ở và thu nhập là có thể đủ điều kiện vay vốn mua nhà.
Lý giải về “mặt trái” của sự nới lỏng này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, quy định như vậy nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân về các thủ tục, hồ sơ giấy tờ để họ có thể nhanh chóng có nhà ở. Trước lo ngại về sự “thiếu trung thực” trong khai báo nếu chỉ “một con dấu” là cơ quan, Thứ trưởng Nam cho biết “sẽ có hậu kiểm” và tin vào sự giám sát lẫn nhau của các đồng nghiệp trong cơ quan người khai báo.
Ngoài ra, pháp luật cũng nêu rõ, cả người khai báo và lãnh đạo đơn vị khi ký vào bản xác nhận phải chịu trách nhiệm về những thông tin của người vay vốn mua nhà.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, tính đến ngày 17/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 đoanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng.
Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng.
0 comments:
Đăng nhận xét