“Với đề án do huyện Từ Liêm xây dựng, có thể thấy rõ đây thực
chất là nâng Từ Liêm từ một huyện thành một quận, chứ không phải tách
thành hai quận riêng biệt”.
Đó là nhận xét của ông
Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm. Ông Kiên cũng
là người duy nhất trong Hội đồng Nhân dân huyện đã không bấm nút thông
qua đề án tại phiên họp ngày 5/12 vừa qua của Từ Liêm.
Trong một
văn bản gửi VnEconomy và một số cơ quan báo chí cuối tuần qua, ông Kiên
đã chỉ ra một số điểm bất hợp lý của việc tách Từ Liêm thành hai quận
Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.
Theo ông Kiên, nếu phân tích các số
liệu do đề án đưa ra thì thấy rằng đây là một đề án bảo vệ việc nâng Từ
Liêm từ một huyện đủ điều kiện lên thành một quận. Bởi lẽ, nếu tách làm
hai quận tức phải so sánh các số liệu, dân cư, công trình hạ tầng của
từng đơn vị quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Nếu vậy sẽ thấy ngay
một số điều kiện không đáp ứng được.
Cụ thể, theo điều 7, khoản 2
của Nghị định 62/2011 của Chính phủ, thì mật độ dân số tối thiểu của
một quận phải là 7.000 người/km2. Quy định này đã ưu tiên cho những
huyện gần nội đô, còn nếu không theo khoản 1 của điều 7 phải là 10.000
người/km2.
Thế nhưng, với số liệu đưa ra tại trang 64 của đề án
đã cho thấy quận Nam Từ Liêm không đáp ứng được điều này bởi 233.369
người/3.363,23 ha = 6.938 người/km2.
Bên cạnh đó, theo ông
Kiên, để ép mật độ dân số các phường mới đạt quy định của Nghị định
62/2011, đề án này còn tự tạo cho mình cách tính mật độ dân số riêng đó
là: mật độ dân số = số dân chia cho diện tích đất tự nhiên trừ mặt nước,
trừ diện tích được quy hoạch công viên rừng, trừ diện tích đất không
thể cư trú, xây dựng…để làm sao phải vượt tối thiểu 7.000 người/km2.
Một
thực tế cho thấy, hiện nay tại huyện Từ Liêm, các công trình hiện đại
phần lớn được xây dựng tại khu vực dự kiến là quận Nam Từ Liêm, vì vậy
nếu tách làm hai quận thì về đáp ứng điều kiện hạ tầng đô thị thì quận
Nam Từ Liêm sẽ có thể đáp ứng những tiêu chuẩn cao mà Thông tư 34/2009
của Bộ Xây dựng đặt ra. Ngược lại thì khu dự định là quận Bắc Từ Liêm sẽ
còn thiếu một số tiêu chuẩn.
Đáng chú ý, để có đủ dữ liệu thông
qua một đề án quan trọng đòi hỏi có thời gian đủ dài để nghiên cứu mới
có thể xem xét thông qua. Thế nhưng, với một đề án dài 78 trang được
chuyển cho đại biểu lúc 8h kém 5 phút sáng và 8h bắt đầu vào họp để thảo luận quyết ngay trong buổi sáng, theo ông Kiên thì “khó có thể coi là chuẩn bị chu đáo được”.
Một
nội dung khá quan trọng khác là chi phí để chuyển đổi tách làm hai quận
hay sẽ phải xây thêm bao nhiêu trụ sở mới với mức kinh phí dự kiến bao
nhiêu đã không được đề cập một dòng nào trong đề án. Vấn đề nhân sự được
đề cập chung chung vẻn vẹn chưa đầy nửa trang A4 tại trang 74.
“Tôi
không phản đối việc nâng Từ Liêm thành quận mới, song cách đặt vấn đề
như đề án, nếu cứ cho nhắm mắt bỏ qua số lượng nhân sự và vấn đề chi
phí, thì cũng chỉ đủ dữ liệu để quyết nâng huyện Từ Liêm lên thành một
quận. Còn việc tách thành hai quận thì rõ ràng ngay từ đầu cách đặt vấn
đề của đề án đã lệch hướng và không đủ các dữ liệu quan trọng. Thậm chí
có dữ liệu cho thấy nó vi phạm quy định của pháp luật”, ông Kiên nói.
Là
một đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm, ông Kiên cũng lưu lý,
quyết toán năm 2012 cho chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm là hơn
563 tỷ đồng. Như vậy nếu có thêm một quận thì hàng năm ngân sách sẽ phải
bỏ ra chí ít là 563 tỷ nữa, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm
trang thiết bị, xe cộ và các chi phí đổi giấy tờ khác.
Trong
phần kết của bức thư, ông Kiên khẳng định: “Thấm nhuần lời dạy của Bác,
việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ
cũng cố tránh”. Đó cũng là lý do vì sao ông không bấm nút thông qua đề
án tại cuộc họp của Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm.
Xem và chia sẻ kiến thức thực tế tại LàmThếNàoHàngNgày.BlogSPOT.com
0 comments:
Đăng nhận xét