23/07/2013 10:57
Hàng trăm héc ta đất "bờ xôi ruộng mật" của người dân 2 xã có bãi bồi ven sông Hồng đã trở thành đất bỏ hoang, thay vào đó là những chiếc hố sâu hoắm do khoét đất làm gạch từ những năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được san lấp trả lại mặt bằng để người dân canh tác.
Buông lỏng quản lý
Những năm trước đây, phong trào đấu thầu, thuê đất làm gạch ở nhiều xã thuộc huyện Mê Linh, trong đó có xã Tiến Thịnh, diễn ra ồ ạt. Hậu quả để lại đến ngày nay là hàng trăm héc ta đất đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc ngang đầu gối, mặt bằng nham nhở thùng vũng và nhiều chỗ được người dân thuê thả cá.
Những năm trước đây, phong trào đấu thầu, thuê đất làm gạch ở nhiều xã thuộc huyện Mê Linh, trong đó có xã Tiến Thịnh, diễn ra ồ ạt. Hậu quả để lại đến ngày nay là hàng trăm héc ta đất đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc ngang đầu gối, mặt bằng nham nhở thùng vũng và nhiều chỗ được người dân thuê thả cá.
Bãi đất đã bị bỏ hoang từ nhiều năm |
Nguyên do của thực trạng trên là các chủ thầu đất tin rằng khi mùa nước lớn về, cánh đồng sẽ được bồi đắp phù sa và mặt bằng tự nó sẽ được hoàn trả. Nhưng thực tế diễn ra đã không theo mong đợi, trong khi đó số tiền đặt cọc quá nhỏ nên không đủ kinh phí cho đổ đất, san lấp mặt bằng. Hiện nay, có những hố sâu từ 5 đến 6m, diện tích các hố này lại khá rộng, bởi vậy hầu hết các chủ thầu đất trước đây đã “bỏ của chạy lấy người”.
Ông Đoàn Văn Họp - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thịnh cũng thừa nhận lý do chưa trả lại được mặt bằng cho dân là do vướng ở kinh phí. Phải chăng tiền đặt cọc để san lấp mặt bằng đã bị “đánh tụt”so với giá trị thực tế…?.
Điều đáng nói, khi sự việc vỡ lở và kéo dài suốt 9 năm, lúc này UBND huyện Mê Linh mới vào cuộc và ra kết luận: chủ thầu đất có sai phạm. Nhưng nguyên nhân của những sai phạm trên, phải chăng có một phần lỗi từ các cơ quan chức năng tại địa phương từ xã Tiến Thịnh đến huyện Mê Linh trong quá trình quản lý và giám sát, nếu không muốn nói là các cơ quan này đã làm ngơ và vô trách nhiệm trước những sai phạm. Bởi theo hợp đồng hạ mặt bằng đất bãi ven đê… để sản xuất gạch, chỉ được khai thác độ sâu 0,30 m và thời hạn 3 năm, giá tiền 1.800.000đ/sào nhưng thực tế các hố này có độ sâu hơn rất nhiều và nay đã có người dùng làm ao thả cá.
Cần giải quyết nghiêm minh và triệt để
Lợi dụng việc buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền địa phương, một số đối tượng đã tận dụng cơ hội này để “đục nước béo cò”. Cụ thể, năm 2005 ông Hồ Văn Thắng - Trưởng thôn Yên Thị đã đấu thầu đất bãi với HTX Nông nghiệp Yên Thị (không rõ UBND xã Tiến Thịnh có biết việc làm này?). Diện tích đất thuê là 9 sào, nhưng ông Thắng chỉ báo cáo 8 sào (tiền thuê một sào đã vào tay ai?).
Chưa hết, với mục đích kiếm lời, ông Thắng đã cho người khác thuê lại với giá 120.000đ/sào/năm, trong khi chỉ báo cáo UBND xã là 60.000đ. Điều đáng nói, năm 2007 không rõ bằng cách nào, ông Thắng đã hợp thức được 959m2 đất đấu thầu đầm sen thả cá thành đất ở lâu dài, sau đó bán cho ông Lê Văn Vinh xây nhà ở kiên cố.
Ngạc nhiên hơn là ông Thắng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) một cách hợp pháp, trong khi kết luận thẩm tra của UBND huyện Mê Linh khẳng định: “UBND xã Tiến Thịnh làm thủ tục trình UBND huyện Mê Linh cấp giấy chứng nhận QSDĐ của ông Hồ Văn Thắng là trái với quy định của pháp luật”.
Những sai phạm liên tiếp của cá nhân ông Thắng đã khiến người dân thôn Yên Thị bức xúc. Họ đã đặt ra nhiều câu hỏi: Giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất diện tích 959m2 cho ông Hồ Văn Thắng có hợp pháp hay không, nếu không hợp pháp thì giấy chứng nhận này có bị thu hồi? Trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có sai phạm trong việc cấp Giáy chứng nhận QSDĐ sẽ bị xử lý ra sao?
Dư luận địa phương hiện đang mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm sự việc trên, bởi những sai phạm này kéo dài đã quá lâu, nếu không xử lý nghiêm minh và triệt để sẽ khó tránh những sai phạm lớn hơn.
0 comments:
Đăng nhận xét